Để tồn tại trên thị trường ngày càng có nhiều cạnh tranh như hiện nay, việc lập ra một mô hình kinh doanh hiệu quả là điều mà các doanh nghiệp cần phải làm. Vậy thế nào là mô hình kinh doanh và có những mô hình kinh doanh nào nổi bật, được áp dụng nhiều nhất? GMarks Vietnam sẽ giải đáp qua bài viết sau đây.
Thế nào là mô hình kinh doanh?
Mô hình kinh doanh (Business Model) là thuật ngữ dùng để chỉ cách doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận thông qua việc cung cấp giá trị sản phẩm cho khách hàng với một mức chi phí hợp lý. Những mô hình kinh doanh cần phải xác định được tiêu chí về sản phẩm, thị trường mục tiêu và tổng chi phí của doanh nghiệp để giúp cho công việc đạt được hiệu quả.
Hiểu theo cách đơn giản, một mô hình kinh doanh phù hợp và thành công là khi chi phí mà doanh nghiệp sử dụng để tạo ra sản phẩm thấp hơn so với doanh thu, lợi nhuận đạt được tối đa nhất.
Những mô hình kinh doanh hiệu quả nhất
Tiếp theo, GMarks Vietnam sẽ giới thiệu đến các bạn top những mô hình kinh doanh đạt hiệu quả cao mà các doanh nghiệp thường áp dụng nhất.
Nhà sản xuất
Đây là một trong những mô hình kinh doanh cơ bản và rất thường thấy ở các doanh nghiệp. Khi áp dụng mô hình này, công ty/ doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất và tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh từ các nguyên liệu thô ban đầu. Doanh nghiệp có thể tự cung cấp sản phẩm cho khách hàng hoặc thông qua những nhà phân phối trung gian.
Nhà phân phối
Mô hình kinh doanh Nhà phân phối cũng là loại hình thường thấy ở các doanh nghiệp, công ty. Khi kinh doanh theo phương thức này, các doanh nghiệp sẽ làm trung gian mua sản phẩm từ các nhà sản xuất, sau đó phân phối lại cho khách hàng.
Điểm quan trọng của mô hình này là các doanh nghiệp cần phải biết cách lựa chọn sản phẩm và nhà sản xuất chất lượng để gây dựng uy tín đối với khách hàng. Nhóm khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp nhà phân phối hướng đến có thể là các cá nhân hoặc nhà bán lẻ.
Nhà bán lẻ
Mô hình kinh doanh nhà bán lẻ chính là khách hàng mục tiêu của các doanh nghiệp nhà phân phối. Theo đó, các công ty /doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này sẽ mua lại sản phẩm từ các đại lý, các nhà phân phối sau đó trực tiếp cung cấp cho khách hàng.
Đây là một trong những mô hình kinh doanh vô cùng thành công trong những năm gần đây, đạt được lợi nhuận vô cùng lớn và các doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô trên thị trường. Một tấm gương điển hình của doanh nghiệp đạt được hiệu quả với hình thức kinh doanh này là Amazon – nhà bán lẻ vô cùng nổi tiếng trên thế giới.
Nhà bán lẻ là một trong những mô hình kinh doanh phổ biến nhất
Thương mại điện tử
Khi công nghệ và các dịch vụ internet ngày càng phát triển, những mô hình kinh doanh cũng ngày càng được nâng cấp, thương mại điện tử là một ví dụ điển hình. Đây là hình thức kinh doanh tập trung chủ yếu vào việc sử dụng những kênh phân phối, bán hàng trực tuyến, dựa vào những phát triển của internet để tiếp cận và cung cấp sản phẩm cho khách hàng, giúp tối ưu hóa chi phí bỏ ra cho việc quảng bá và bán hàng.
Đây được đánh giá là mô hình kinh doanh thành công, đạt được hiệu quả cao nhất bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ mà doanh nghiệp đạt được thông qua các kênh bán hàng trực tuyến tại nhiều quốc gia. Những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình có thể kể đến là Alibaba và Amazon.
Alibaba rất thành công với mô hình kinh doanh thương mại điện tử
Freemium
Freemium là mô hình kinh doanh tiếp theo tận dụng sự phát triển vượt bậc của công nghệ và internet. Theo đó, khách hàng sẽ được sử dụng không tính phí đối với các ứng dụng và gói sản phẩm trực tuyến. Tuy nhiên, để được sở hữu nhiều tiện ích hơn, họ sẽ phải nâng cấp bằng cách trả phí.
Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng áp dụng hình thức kinh doanh này, tiêu biểu và phổ biến nhất thời gian gần đây phải kể đến Tinder – một ứng dụng kết bạn trực tuyến. Bạn sẽ được miễn phí hoàn toàn khi tải, đăng nhập và lướt bảng tin trên Tinder, tuy nhiên, để xem được tổng số lượt thích và một số tiện ích nâng cao khác, bạn sẽ phải trả phí hàng tháng để mua gói Tinder Gold.
Tinder áp dụng mô hình Freemium
Nhượng quyền thương mại
Đây không phải là một mô hình kinh doanh xa lạ đối với các công ty, doanh nghiệp. Theo đó, thay vì phải xây dựng thương hiệu và tạo dựng uy tín từ đầu với khách hàng, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách mua lại bản quyền thương hiệu có sẵn từ tập đoàn, công ty mẹ và tiếp tục cung cấp sản phẩm.
Sau khi mua được bản quyền của thương hiệu, doanh nghiệp cũng sẽ kéo theo được lượng khách hàng trung thành với doanh nghiệp gốc và thu được lợi nhuận thông qua việc bán hàng cho những người khách này.
McDonald’s – doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại
Theo như những chia sẻ bổ ích phía trên về mô hình kinh doanh, chúng ta có thể thấy rằng việc xây dựng một mô hình có hiệu quả là rất quan trọng trong thành công của các công ty, doanh nghiệp. GMarks Vietnam hy vọng rằng thông qua những mô hình kinh doanh phổ biến trên đây, các bạn sẽ có những áp dụng thực tế một cách hiệu quả.
Chúc các bạn thành công với lựa chọn của mình!